14/10/2021 20:25  
Các đội bóng Trung Quốc từng chi không tiếc tay với tham vọng định hình lại môn thể thao này, nhưng giờ đối mặt những khoản nợ khổng lồ.

Trong số email, thư khiếu nại về các khoản nợ lương chất thành đống suốt nhiều tháng qua, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) nhận thấy số lượng lớn bất ngờ đến từ các cầu thủ và huấn luyện viên các câu lạc bộ Trung Quốc.

Super League, giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc, từng được xem như miền đất hứa mới của môn thể thao này nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của người hâm mộ, những ông chủ tham vọng sẵn sàng vung tiền chiêu mộ các cầu thủ hàng đầu thế giới với mức lương khủng. Nhưng sau nửa thập kỷ, bóng đá Trung Quốc giờ đối mặt khủng hoảng.

Các công ty từng bỏ ra hàng chục triệu USD chiêu mộ cầu thủ ngoại giờ không thể trả lương cho họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người từng ủng hộ đầu tư cho bóng đá, giờ phải đối mặt với nhiều ưu tiên quan trọng hơn. Giải Super League đã không có bất kỳ trận đấu nào diễn ra suốt nhiều tháng qua.

"Một số vấn đề từng xảy ra trước đây, nhưng không ở mức độ như hiện tại", David Wu, một luật sư thể thao ở Thượng Hải, nói.

Những tin tức xấu dần xuất hiện. Hồi tháng 2, câu lạc bộ Jiangsu Suning F.C. bị công ty chủ quản, một nhà bán lẻ điện tử, đột ngột tuyên bố đóng cửa chưa đầy bốn tháng sau khi đội giành chức vô địch Super League.

Việc một trong những câu lạc bộ lớn nhất biến mất, cùng với đó những cầu thủ không được trả lương, thu hút chú ý của dư luận đến dự án từng được xem như nền tảng nỗ lực biến Trung Quốc thành siêu cường bóng đá của ông Tập.

Sự sụp đổ này dường như là điềm báo cho những rắc rối lớn hơn. Mùa giải Super League năm nay đã nhiều lần bị hoãn để phục vụ lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển quốc gia và sẽ không thể tiếp tục cho tới tháng 12. Cho đến lúc đó, các câu lạc bộ sẽ có rất ít hoặc không có các cầu thủ giỏi nhất tham gia thi đấu.

Gần đây, nhiều người cũng hoài nghi về khả năng tiếp tục của câu lạc bộ thành công nhất Trung Quốc Guangzhou F.C. Cuộc khủng hoảng tiền mặt ở công ty chủ quản, tập đoàn bất động sản Evergrande, nghiêm trọng đến mức gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.

Tuần trước, đội bóng đã chia tay huấn luyện viên người Italy Fabio Cannavaro, một trong những người được trả lương cao nhất trong làng túc cầu thế giới. Các quan chức và cầu thủ của các câu lạc bộ khác cũng đồng ý chấm dứt hợp đồng dài hạn với điều kiện được trả lương đúng hạn.

Fernando Martins và Renato Augusto, hai ngôi sao Brazil nộp đơn khiếu nại lên FIFA, cũng nhất trí một thỏa thuận như vậy. Cả hai đều được chấm dứt hợp đồng với câu lạc bộ cũ Beijing Guoan và từng hy vọng nhận được các khoản lương đầu tiên vào tháng 8. Nhưng tiền của họ tới nay vẫn chưa xuất hiện.

Quan chức phòng giải quyết tranh chấp của FIFA đang phân tích các trường hợp. Cơ quan này có quyền cấm câu lạc bộ bóng đá ở bất kỳ quốc gia nào ký hợp đồng mới nếu chưa giải quyết xong các khoản nợ lương. Một số câu lạc bộ của Trung Quốc có vẻ đã chịu những lệnh cấm như vậy. Wuhan F.C, từng thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản Wuhan Zall Development Holding Co., được cho đã bị đình chỉ chiêu mộ cầu thủ mới.

Tuy nhiên, những hình phạt và lệnh cấm chuyển nhượng có thể không đủ để giúp nhiều cầu thủ lấy được tiền lương bị nợ. Hậu vệ Miranda người Brazil đã bị nợ hơn 10 triệu USD khi Jiangsu Suning tuyên bố đóng cửa. Các luật sư của anh đang gặp rất nhiều khó khăn để đòi được khoản lương này.

Nhưng ít nhất Miranda, cầu thủ 37 tuổi, vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp. Anh nhanh chóng giành được hợp đồng béo bở khác ở Sao Paulo, câu lạc bộ chơi ở giải hạng nhất Brazil. Tuy nhiên, hàng chục cầu thủ Trung Quốc khác bị câu lạc bộ nợ lương trong vài tháng gần đây không may mắn như thế.

"Họ là những cầu thủ ít có cơ hội tiếp cận thị trường chuyển nhượng bóng đá quốc tế", Jonas Baer-Hoffmann, tổng thư ký FIFPro, hiệp hội cầu thủ toàn cầu, nói. "Nếu câu lạc bộ của họ phá sản, cơ hội tiếp tục sự nghiệp bóng đá rất mong manh. Do đó, nó có thể khiến họ phải từ giã sự nghiệp".

Triển vọng cho giải bóng đá Trung Quốc Super League khá u ám. Thị trường dành cho các cầu thủ ngoại hàng đầu và việc họ sẵn sàng đến Trung Quốc thi đấu đã không còn. Số phận của các câu lạc bộ và những người làm việc trong nền kinh tế bóng đá Trung Quốc phụ thuộc vào quan chức bóng đá địa phương, những người thường đột ngột thay đổi quy định, cũng như khả năng tài chính của các nhà đầu tư cho giải đấu.

Thời kỳ các ông chủ vung tiền trả lương hậu hĩnh cho cầu thủ chắc chắn đã kết thúc. Carlos Tevez, tiền đạo từng kiếm được 40 triệu USD trong một mùa giải không hiệu quả ở Shanghai Shenhua, câu lạc bộ do công ty bất động sản Greenland Group sở hữu. Những cầu thủ Brazil hàng đầu như Hulk và Oscar cũng từng nhận được mức lương rất cao. Có thời điểm, mức lương của Dario Conca, tiền đạo ít tên tuổi người Argentina, được cho khiến anh trở thành cầu thủ được trả lương cao thứ ba thế giới.

Những năm gần đây, liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế tình trạng bội chi tràn lan bằng cách ban hành quy định mới như áp thuế chiêu mộ và hạn chế cầu thủ ngoại thi đấu. Các nhà quản lý thể thao Trung Quốc mùa giải này cũng cấm các công ty gắn tên thương hiệu với tên các đội bóng mà họ sở hữu, buộc các doanh nghiệp như Evergrande hay Greenland phải thay đổi tên câu lạc bộ.

"Tình hình rất tồi tệ và cần có thời gian để khắc phục", luật sư Wu nói.

Một trong những vấn đề khác mà các câu lạc bộ Trung Quốc đối mặt là lịch trình thi đấu không chắc chắn. Vào tháng 7, liên đoàn bóng đá nước này thông báo giảm số trận đấu từ 30 xuống 22, đòn giáng lớn đối với các câu lạc bộ đang khao khát doanh thu, cũng như điều chỉnh lịch để phù hợp với chiến dịch vòng loại World Cup của đội tuyển quốc gia.

"Nếu một giải đấu dễ dàng thay đổi đến mức có thể tạm dừng và bắt đầu lại theo lịch trình đội tuyển quốc gia, bạn có thể nhìn ra ưu tiên được đặt ở đâu", Zhe Ji, giám đốc Red Lantern, công ty tiếp thị thể thao cho các đội bóng hàng đầu châu Âu, nói. "Nó chắc chắn không còn nằm ở giải đấu nữa".

Trung Quốc mới một lần tham dự World Cup vào năm 2002 và để thua cả ba trận mà không ghi được bàn nào. Xây dựng một đội tuyển quốc gia chất lượng và có năng lực vẫn là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển bóng đá của Trung Quốc. Việc Super League đầu tư vào cầu thủ, huấn luyện viên nước ngoài và cơ sở vật chất xa xỉ được xem là cách để thúc đẩy tham vọng đó, với kỳ vọng rằng những người từ nước ngoài sẽ nâng cao chất lượng cầu thủ trong nước.

Nhưng kết quả có vẻ không như mong đợi. Đội tuyển quốc gia Trung Quốc đang xếp gần cuối bảng sau khi để thua hai trong ba trận đã thi đấu ở vòng loại World Cup 2022.

"Tôi sẽ đánh liều nói rằng nó thậm chí còn tệ hơn trước", Ji nói.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

Nguồn tin: vnexpress.net


FIFA   Trung Quốc   World Cup   doanh nghiệp   khủng hoảng   Đội tuyển  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...